Tên sách: Xin Chữ
Tác giả: Phạm Quang Nghị
NXB: Hà Nội
Năm XB: 2019
Thời gian giới thiệu: 7h30 sáng ngày /11/2023
Địa điểm: Sân trường vào giờ chào cờ đầu tuần
Học sinh giới thiệu: Nguyễn Thị Thanh Huyền – Liên đội trưởng.
Thưa thầy cô và các bạn!
Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" khắc họa đầy đủ diện mạo của một Thủ đô mới với bề dày lịch sử 1.000 năm, từ đó kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Sau 7 năm thực hiện, Nhà xuất bản đã biên soạn và xuất bản 40 đầu sách (74 tập sách) thuộc các mảng: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Văn học Nghệ thuật, Tư liệu tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang.
Ngoài ra, tủ sách còn xuất bản 20 đầu sách phổ thông phục vụ rộng rãi bạn đọc nhiều lứa tuổi, thành phần. Hôm nay thay mặt tổ công tác Thư viện chúng em xin được giới thiệu một trong 20 cuốn sách nằm trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II đó là cuốn: “Xin chữ” của tác giả Phạm Quang Nghị
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh yêu quý!
Xin chữ là nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt. Xin chữ không chỉ thể hiện những tâm nguyện sâu xa thầm kín mà còn là sự gửi gắm niềm mong ước của mỗi người vào những con chữ. Do vậy những chữ được xin, được tặng luôn mang giá trị tinh thần sâu sắc.
Với tác giả Phạm Quang Nghị khi có cơ hội xin chữ ông luôn suy nghĩ, cân nhắc thận trọng bởi ông quan niệm những chữ đó là phương châm xử thế, là tôn chỉ mục đích trong cuộc sống, có tác dụng nhắc nhở, răn dạy mình sống và làm theo
Bạn đọc thường chỉ biết đến một Phạm Quang Nghị là chính khách, là chính trị gia mà ít người biết rằng ông đã từng có năm năm lăn lộn ở chiến trường, trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt với tư cách phóng viên, là cán bộ trực tiếp bám dân, bám cơ sở. Ngay những tháng ngày gian khổ đó, thói quen viết đã ngấm vào ông. Rồi sau này khi đảm đương những trọng trách của quốc gia và của Hà Nội, ông vẫn luôn tranh thủ những khảng thời gian vô cùng ít ỏi xen giữa bộn bề công việc để viết. Người đọc đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng tác giả khi mở những trang sách “Xin chữ”. Cuốn sách đã thu hút sự quan tâm và để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả.
Sau hơn hai năm ra mắt, thể theo nhu cầu của đông đảo bạn đọc, trong khuôn khổ Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội tái bản cuốn Xin chữ. Ở lần xuất bản này, cuốn sách gồm 3 phần chính:
- Phần thứ nhất: Hà Nội trong tôi
- Phần thứ hai: Sống trong lòng người
- Phần thứ ba: Những khoảnh khắc của cuộc đời
Như tác giả đã tự bạch: Những bài viết trong tập sách “Xin chữ” chính là những gì đã trải nghiệm, đã gắn bó, đã nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí là những “va đập” không thể quên trong quá trình gần nửa thế kỷ công tác từ khi rời giảng đường đại học vào chiến trường miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng” cho đến khi nghỉ hưu. Tại sao tác giả Phạm Quang Nghị lại lấy tít bài viết “Xin chữ”đặt tên cho cuốn sách? Theo Nhà thơ Bằng Việt trong bài viết “Xin chữ” - Từ tâm nguyện đến hành động”, là bài đầu tiên của cuốn sách, đánh giá bài viết này là “hòn đá thử vàng cho mọi bài viết trong tập sách, đồng thời cũng minh chứng đậm nét cho phẩm cách và tư thế sống của tác giả, qua bao thử thách, thăng trầm, dù bất cứ nơi đâu và lúc nào, để mình vẫn được là mình”.
Phần thứ nhất trong cuốn sách "Xin chữ" với tựa đề "Hà Nội trong tôi" là những bài viết tâm huyết đã phản ánh những sự việc cụ thể ở Hà Nội và cảm nghĩ của tác giả chủ yếu trong thời gian tác giả đảm nhiệm trọng trách đứng đầu nơi đây như việc đốn hạ và trồng mới cây xanh thành phố, nạn ùn tắc giao thông, quy hoạch đô thị, biển quảng cáo phản cảm tràn lan mà chưa ai xử lý, Đàn Xã Tắc, cây cầu vượt và văn hóa tranh luận, ngẫm về câu nói "Hà Nội không vội được đâu", "Muốn nhanh thì phải từ từ", dường như đó là sản phẩm có phần tất yếu gắn liền với đặc điểm, bối cảnh của Thủ đô... Hoặc loạt bài: "Tự hào thay Thăng Long - Hà Nội" "Mở rộng Hà Nội - Tầm nhìn trăm năm; Vì Hà Nội, cho Hà Nội để Hà Nội cất cánh tới tương lai", "Bình tĩnh lắng nghe", "Bảo tồn và phát triển", "Hãy là tinh hoa đích thực"...đã có thể hiện trăn trở, sự lao tâm khổ tứ, mong ước khát khao cháy bỏng: "Trong khó khăn, thách thức, những giá trị văn hiến truyền thống hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội lại bừng lên ngọn lửa động lực cho Thủ đô trong thời kì phát triển mới".
Phần thứ hai trong cuốn sách là sự kính trọng, tưởng nhớ, sự yêu quý và nhớ thương của tác giả với các nhân vật lịch sử: “Cuộc đời quá mênh mông, có những tên người ta trân trọng, ta yêu quý, biết ơn. Ta muốn tên tuổi họ được mọi người luôn nhớ tới".
Lắng đọng hơn cả trong “Xin chữ” là phần thứ ba - “Những khoảnh khắc cuộc đời” gồm 18 bài là những suy tư của tác giả về người thân, nhất là bài “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tác giả mô tả tiễn biệt thân mẫu trong tiếng nấc nghẹn ngào, thật xúc động, là người con rất có hiếu đối với bố mẹ. Không những vậy, tác giả còn rất nặng lòng với quê hương qua bài “Làng tôi”- Làng Yên Hoành, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, được đất trời ban tặng, có núi, có sông, có những cánh đồng, có những bến sông lung linh sóng nước, trước đây có ngôi đình cột bằng gỗ lim, to một vòng tay người ôm không xuể... Đặc biệt trong bài “Niềm vui giản dị” viết tháng 6/2016 (sau khi nghỉ hưu) với những hồi ức: “Nói sao hết tình yêu của tôi đối với dòng sông Mã quê nhà. Từ lúc tôi là đứa trẻ lên ba, được theo người lớn ra tắm, vẫy vùng ngoài sông đến nay dòng sông đã có biết bao thay đổi... Con sông ngày xưa nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ tôi không chỉ bằng ca dao, tục ngữ, mà con bằng chính sự mát rượi của dòng nước”. Rồi tác giả trăn trở “Bây giờ giữa trưa hè tôi không thấy lũ trẻ con bơi lội trên sông. Và hầu như quanh năm không còn nghe những câu hò sông Mã. Những “dô tá dô tà”, “ới khoan, hò khoan..." của những người đi đò dọc bây giờ ai đó muốn nghe phải mở băng nhạc mới có. Và sự lở, bồi của dòng sông chốc chốc lại đổi thay"... Những nhớ nhung, hoài niệm, tình yêu quê hương trong “Xin chữ” của tác giả Phạm Quang Nghị, đúng như Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã khái quát:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người"
Theo Nhà thơ Bằng Việt, “Xin chữ” của tác giả Phạm Quang Nghị tuy không phải là tác phẩm văn chương nhưng tràn đầy chất văn học". Tác giả đã trích dẫn khá nhiều câu, nhiều dòng nổi tiếng của các danh nhân, học giả trong và ngoài nước, đã dẫn thơ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Việt Phương... Vì thế, các bài viết trong cuốn sách “Xin chữ” trở nên mềm mại, cuốn hút người đọc. Trân trọng một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm đã có nhiều năm dành toàn tâm lực và trí lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô, Nhà xuất bản Hà Nội một lần nữa xin giới thiệu cuốn Xin chữ của tác giả Phạm Quang Nghị đến đông đảo bạn đọc. Hiện cuốn sách đang nằm trên tủ sách đạo đức của Thư viện mang số đăng ký cá biệt là 663. Mời các độc giả đến thư viện tìm hiểu, đón đọc cuốn sách cùng với các đầu sách mới khác cùng chủ đề trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” để hiểu đầy đủ hơn, khái quát hơn và sâu sắc hơn về Hà Nội.
Từ đó kế thừa phát huy truyền thống để phát triển thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch.
Cuốn sách “Xin chữ” nằm trong tủ sách đạo đức của Trường mang số ĐKCB 0005000663.
Buổi tuyên truyền giới thiệu sách của tổ hoạt động thư viện đến đây xin kết thúc. Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của thầy cô và các bạn. Xin mời các thầy cô và các bạn đến tại thư viện nhà trường để cùng tìm hiểu về cuốn sách này.