Giáo dục có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành nên nhân cách của một con người. Công tác giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử cho học sinh nói riêng là một việc làm vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nó giúp cho các em học sinh chủ động hơn trong cuộc sống, hình thành những suy nghĩ đúng đắn, những đức tính cần có.
Trong những năm qua, cùng với việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giáo dục, công tác chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường nói chung, văn hóa ứng xử trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nói riêng đã được nhà trường rất quan tâm.
Thực hiện kế hoạch hoạt động năm học nhà trường đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh. Điều đó đã tạo chuyển biến tốt về môi trường văn hóa trong nhà trường. Quy định về ứng xử văn hóa dưới hình thức lồng ghép trong quy định của nhà trường, nội quy trường học, quy chế dân chủ, quy chế văn hóa công sở, quy định thực hiện nếp sống văn hóa học đường, quy định đạo đức nhà giáo, nội quy học sinh...Đặc biệt đức tính lễ phép luôn được đề cao trong quy tắc ứng xử.
Việt Nam là một đất nước trọng lễ nghĩa. Một người được xã hội đánh giá là mẫu mực trước hết họ phải là người gương mẫu về lễ nghi, lễ nghĩa. Bởi thế, để sống đạt đến chuẩn mực, được mọi người kính trọng, lễ phép là một đức tính cần có ở mỗi con người.
Lễ phép là thái độ biết kính trọng người trên. Sự lễ phép của con người được biểu hiện qua thái độ lịch sự, lời nói đúng mực, hành vi lễ độ, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc giao tiếp do xã hội quy định. Tại sao chúng ta phải biết lễ phép với người lớn tuổi và những người xung quanh?
Lễ phép với người lớn tuổi, kính trọng người già vốn là một nét đẹp trong nền văn hóa dân tộc. Từ xưa đến nay, dân tộc ta luôn xem lễ phép là đức tính cần thiết và quan trọng nhất trong năm đức tính mà con người cần có: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng tình, bởi thế những gì liên quan đến tình cảm, lễ nghi đều được đề cao. Lễ phép là cái đầu tiên và quan trọng nhất trong các đức tính.
Người lớn tuổi là những người hơn hẳn ta về vị thế xã hội và kinh nghiệm sống. Họ là người đi trước, trải ngiệm nhiều hơn ta, tích lũy tri thức có thể cũng nhiều hơn. Bởi thế ta phải lễ phép khi gặp gỡ, giao tiếp.
Lễ phép khi gặp gỡ, giao tiếp với người lớn sẽ làm cho mối quan hệ giữa người và người trở nên bền chặt hơn. Người lớn được tôn vinh, kính trọng; người nhỏ được dạy bảo, nhắc nhỏ chân tình. Tình cảm thân thiện, tích cực từ đó mà nảy nở gắn kết con người với nhau.
Biết kính trọng và lễ phép với người lớn tuổi thể hiện nhân cách cao đẹp, thái độ ôn hòa của con người. Người có đức tính lễ phép luôn được người khác yêu mến và tôn trọng. Tính lễ phép còn thể hiện lối sống hiền hòa, quý trọng tình nghĩa, hướng đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Vậy rèn luyện tính lễ phép như thế nào? Trước hết phải biết tôn trọng con người. Đây là nguyên tắc đầu tiên hình thành đức tính lễ phép ở con người. Chỉ khi biết tôn trọng yêu thương người khác, con người mới sống lẽ phép, lịch sự đúng mực. Phải biết rèn luyện những đức tính căn bản cần có ở mỗi con người như: biết yêu thương, biết tôn trọng, tuân thủ nguyên tắc,… Sống phải biết hòa hiếu, chia sẻ vật chất và tinh thần trong cuộc sống này. Giống như những con sông nếu dòng nước không chảy, dòng sông sẽ chếtvì cáu cặn.
Luôn giữ được thái độ hiền hòa, kính trọng người lớn. Khi gặp gỡ, giao tiếp với người lớn phải biết tôn kính, thực hiện nghiêm túc lễ nghi giao tiếp. Chào hỏi phải lịch sự, cung kính. Ngôn ngữ nhỏ nhẹ đúng mực, đúng vị trí xã hội. Chú ý lắng nghe và trả lời khi người lớn tuổi hỏi. khi đi phải biết chào,… Không nên to tiếng, lời lẽ thô bạo, vô lễ đối với người lớn.
Kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô,… Những người có ảnh hưởng lớn đối với bản thân mỗi người phải được tôn trọng. Hành vi lễ phép khẳng định rõ ràng nhất tình cảm của chúng ta đối với họ. Tuy nhiên, thái độ lễ phép phải xuất phát từ tấm lòng chân thật, từ thái độ cầu thị tiến bộ, không nên hình thức thái quá, giả tạo hay mưu cầu lợi ích,…
Xã hội càng phát triển, con người cần lễ phép hơn để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp, bền chặt, hướng con người đến chân thiện mỹ, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và đầy lòng nhân ái
Học sinh thực hiện tốt các hoạt động giáo dục đạo đức, nếp sống; lễ phép với người lớn, hòa đồng thân thiện với bạn bè; ngôn ngữ trong sáng. Thực hiện nếp sống thanh lịch văn minh. Khi đến trường, các em mặc trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động của nhà trường. Thực hiện “Nói lời hay làm việc tốt”. Tổ chức các chuyên đề phòng chống bạo lực học đường, văn hóa giao thông để học sinh có thêm kỹ năng xử lí tình huống, ứng xử văn minh.
Có thể khẳng định việc xây dựng văn hóa học đường góp phần đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.